Đầu tháng 4-2016, UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định mới quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa đối với từng loại đất trong tỉnh. Quyết định này sẽ siết chặt quản lý về đất đai, giảm tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền tràn lan dẫn đến xây dựng trái phép khó kiểm soát.
Phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) là một trong những điểm “nóng” về tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép. |
Quyết định cũ số 51 ban hành từ đầu năm 2014 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh được xem là tương đối thoáng, dẫn đến tình trạng các cá nhân xin tách thửa đất tràn lan, sau đó sang nhượng lại cho nhiều cá nhân khác để xây dựng nhà ở trái phép, hình thành những khu dân cư ngoài quy hoạch.
* Quy định cũ bất cập
Thời gian qua, tình trạng cá nhân tách thửa, phân lô bán nền diễn ra rất nhiều tại TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch... Người mua những mảnh đất tách thửa phần lớn là công nhân, người lao động nghèo nên sau khi sang nhượng xong thấy số tiền chuyển mục đích sử dụng đất phải nộp quá lớn đã bỏ qua và tiến hành xây dựng nhà ở trái phép. Tình trạng này khiến không ít địa phương “đau đầu” mà không có cách nào xử lý triệt để, có những nơi chỉ sau 1-2 ngày đã có hàng chục căn nhà mọc lên.
Ông Nguyễn Tấn Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP.Biên Hòa, cho biết: “Từ cuối năm 2014 đến nay, tình hình tách thửa, phân lô bán nền dẫn đến xây dựng trái phép ở TP.Biên Hòa diễn ra rất phức tạp. Đặc biệt là phường Trảng Dài, các xã Phước Tân, Tam Phước. Chỉ trong hơn 1 năm mà ở 3 địa phương trên đã có hơn 80 thửa đất tách thành trên 1 ngàn thửa nhỏ để chuyển nhượng”. Cũng theo ông Vinh, Quyết định 51 cho phép 1 cá nhân có thể tách được 25 thửa nên một số cá nhân đã mua đất, liên kết với nhau để phân lô bán nền, hình thành các khu dân cư tự phát lớn phá vỡ quy hoạch của thành phố. Người phân lô bán nền xong thường biến mất và người phải chịu hậu quả là những lao động nghèo đã mua đất và xây dựng nhà ở. Theo Luật Nhà ở, xây dựng trái phép sẽ phải đập bỏ, nhưng đối với những hộ nghèo căn nhà miếng đất là tài sản tích cóp, vay mượn mới mua được nên việc xử lý rất khó khăn.
Hơn 1 năm qua, tình trạng phân lô bán nền diễn ra ào ạt ở một số địa phương đông dân cư, vì thế tỉnh đã thống nhất với các sở, ngành, địa phương tìm giải pháp ngăn chặn. “Từ nay đến hết tháng 3-2016, các huyện, thị, thành ngưng tiếp nhận hồ sơ mới xin tách thửa để giải quyết hết các hồ sơ tồn đọng. Đầu tháng 4-2016, sẽ tiếp tục nhận hồ sơ giải quyết tách thửa theo quy định mới. Trong quyết định mới sẽ có nhiều ràng buộc, hạn chế tình trạng phân lô bán nền ào ào, gây ra tình trạng bất động sản ảo, xây dựng trái phép tràn lan” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nói.
* Trên 10 thửa phải hình thành dự án
Các sở ngành, huyện TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa đều thống nhất trong quyết định mới, người sử dụng đất khi tách thửa từ 10 thửa trở xuống không phải làm dự án, còn từ 10 thửa trở lên phải làm dự án. Đồng thời, trước khi tách thửa phải chuyển mục đích sử dụng đất và tiến hành nộp thuế xong mới cho tách thửa. “Khu vực tách thửa phải phù hợp với quy hoạch khu dân cư mới cho tách thửa. Ngoài các yêu cầu trên thì đất tách thửa đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định, người tách thửa phải làm đường nội bộ, hệ thống điện, nước kết nối với hệ thống giao thông, điện, nước chung. Quy định này sẽ hạn chế được tình trạng phân lô bán nền tràn lan và xây dựng trái phép” - ông Lý Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho hay.
Ông Nguyễn Tấn Đức, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Nhơn Trạch, cho biết: “Huyện đã đề nghị và được tỉnh chấp thuận là trong quyết định mới về tách thửa đất, đối với đất cây xanh không phù hợp quy hoạch khu dân cư sẽ không cho tách thửa. Dù tách dưới 10 thửa cũng buộc phải làm hạ tầng đầy đủ và bàn giao lại cho Nhà nước quản lý”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, dự thảo quyết định đã cơ bản hoàn thành, tới đây sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt, ban hành. Quy định mới sẽ chặt chẽ hơn, yêu cầu khu vực xin tách thửa phải phù hợp với quy hoạch khu dân cư, người tách thửa phải chuyển mục đích sử dụng đất, đóng thuế, làm hạ tầng đầy đủ. Như vậy, đất nền trở về giá trị thực và người mua để xây dựng nhà ở không phải đóng thêm tiền chuyển mục đích sử dụng, sẽ giảm được nhiều tình trạng xây dựng trái phép.
Hương Giang
- Bình luận facebook
- Bình luận google