Trình tự, Thủ tục mua nhà ở xã hội

Trình tự, Thủ tục mua nhà ở xã hội

Trình tự, Thủ tục mua nhà ở xã hội

Trình Tự, Thủ Tục Mua Nhà Ở Xã Hội

09/10/2018

 

Nhà ở xã hội là một loại hình nhà ở được phát triển chỉ dành riêng cho một số đối tượng cụ thể như: Người có thu nhập thấp, hộ nghèo, người có công với cách mạng(Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân),... với những điều kiện được quy định rõ ràng:

- Chưa có nhà ở thuộc sở hữu hoặc có nhưng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn 8m2 sàn/người.

- Phải có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú nhưng đã đóng BHXH từ 1 năm trở lên.

Thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Phải thanh toán lần đầu ít nhất 20% giá trị căn hộ.

- Người mua nhà phải có xác nhận thuộc diện được mua nhà nói trên.

 

Chính vì quy định cụ thể và có phần khắt khe như vậy vô hình chung khiến mọi người chỉ tập trung vào các điều kiện ban đầu mà lại quên mất đi các thủ tục quan trọng không kém đó là: Trình tự, thủ tục mua nhà ở xã hôi. Do vậy, chúng tôi muốn phân tích và làm rõ những trình tự thủ tục này, hy vọng phần nào có thể giải đáp một số thắc mắc của Quý độc giả có nhu cầu.

 

 

 

Đối với những dự án Nhà ở xã hội do các Chủ đầu tư đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của chính mình, không sử dụng vốn ngân sách, trình tự, thủ tục mua nhà ở xã hội được quy định như sau:

Điều 20 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định về Trình tự, thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội

  1. Sau khi khởi công dự án, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến dự án (tên dự án; chủ đầu tư dự án; địa điểm xây dựng dự án; địa chỉ liên lạc, địa chỉ nộp đơn đăng ký; tiến độ thực hiện dự án; quy mô dự án; số lượng căn hộ (trong đó bao gồm: Số căn hộ để bán, số căn hộ cho thuê, số căn hộ cho thuê mua); diện tích căn hộ; giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua (tạm tính) đối với từng loại căn hộ; thời gian bắt đầu và kết thúc nhận đơn đăng ký và các nội dung khác có liên quan) để công bố công khai tại Cổng Thông tin điện tử của Sở Xây dựng.
  2. Trước khi thực hiện việc bán, cho thuê, cho thuê mua, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về tổng số căn hộ sẽ bán, cho thuê, cho thuê mua và thời điểm bắt đầu bán, cho thuê, cho thuê mua để Sở Xây dựng biết và kiểm tra.
  3. Trên cơ sở các thông tin về các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn đã được công bố người mua nhà sẽ đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội nộp hồ sơ cho chủ đầu tư dự án.
  4. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có trách nhiệm xem xét từng hồ sơ đăng ký, đối chiếu với các quy định về đối tượng, điều kiện theo quy định để lập danh sách đối tượng được mua nhà ở xã hội thuộc dự án do mình làm chủ đầu tư.
  5. Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm gửi Danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo thứ tự ưu tiên (Trên cơ sở chấm điểm theo nguyên tắc quy định tại Điều 23 của Nghị định này) về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để kiểm tra nhằm loại trừ việc người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần.

    -  Trường hợp đối tượng dự kiến được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo Danh sách do chủ đầu tư lập mà đã được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở theo quy định hoặc đã được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại dự án khác thì Sở Xây dựng có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho chủ đầu tư biết để xóa tên trong Danh sách được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Sau 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được Danh sách, nếu Sở Xây dựng không có ý kiến phản hồi thì chủ đầu tư thông báo cho các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong dự án của mình đến để thỏa thuận, thống nhất và ký hợp đồng.

    -  Trường hợp người có nhu cầu nhà ở xã hội đáp ứng đủ điều kiện và đã được chủ đầu tư dự án xem xét, đưa vào Danh sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội của dự án đó, nhưng người đó không còn có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì chủ đầu tư dự án gửi trả lại hồ sơ (bao gồm cả giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội) cho người đã nộp hồ sơ.
     
  6. Người có nhu cầu mua nhà ở xã hội chỉ được nộp giấy tờ đăng ký tại một dự án. Trong trường hợp dự án không còn quỹ nhà để bán, cho thuê, cho thuê mua thì chủ đầu tư nêu rõ lý do và trả lại hồ sơ để người có nhu cầu nộp tại dự án khác.

       Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thanh toán trực tiếp với chủ đầu tư hoặc thực hiện thông qua ngân hàng do chủ đầu tư và người mua, thuê, thuê mua thống nhất theo thỏa thuận

     
  7. Sau khi ký Hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm lập đầy đủ Danh sách các đối tượng (bao gồm cả các thành viên trong hộ) đã được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội gửi về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để công bố công khai trong thời hạn 30 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được Danh sách này) và lưu trữ để phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra (hậu kiểm). Đồng thời, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm công bố công khai danh sách này tại trụ sở làm việc của chủ đầu tư và tại Sàn giao dịch bất động sản hoặc Trang thông tin điện tử về nhà ở xã hội của chủ đầu tư (nếu có).

 

 

Quy định của pháp luật về việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội

  1. Nhà ở xã hội phải được bán, cho thuê, cho thuê mua theo đúng đối tượng và điều kiện quy định tại Luật nhà ở. Người thuê nhà ở xã hội không được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian thuê nhà theo hợp đồng đã ký với bên cho thuê.
  2. Người mua, thuê mua nhà ở xã hội cũng không được phép thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký vơi bên bán, bên cho thuê mua.

 

Note: Cho thuê mua là gì?

Theo quy định tại Khoản 17 Điều 3 Luật nhà ở 2014:

Khoản 17 Điều 3

  • Thuê mua nhà ở là việc người thuê mua thanh toán trước cho bên cho thuê mua 20% giá trị của nhà ở thuê mua, trừ trường hợp người thuê mua có điều kiện thanh toán trước thì được thanh toán không quá 50% giá trị nhà ở thuê mua; số tiền còn lại được tính thành tiền thuê nhà để trả hàng tháng cho bên cho thuê mua trong một thời hạn nhất định; sau khi hết hạn thuê mua nhà ở và khi đã trả hết số tiền còn lại thì người thuê mua có quyền sở hữu đối với nhà ở đó”.
  • Thuê mua nhà ở là một khái niệm không phải là mới nhưng chưa được Luật nhà ở 2005 trước đó định nghĩa và hướng dẫn một cách cụ thể. Trước đây, theo quy định của Luật nhà ở cũ, thuê mua nhà ở là một hình thức dành riêng cho nhà ở xã hội, thường dành cho những đối tượng có thu nhập thấp không có đủ tài chính để mua nhà một lần, đồng thời hạn chế trường hợp người mua nhà không có nhu cầu thực mà mua nhà ở xã hội để kiếm lời, đầu cơ trục lợi. Hiện nay, theo quy định của Luật nhà ở 2014, Luật kinh doanh bất động sản 2014, việc thuê mua nhà ở đã được mở rộng thêm nhiều hình thức như thuê mua nhà ở thương mại, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước chứ không chỉ áp dụng một hình thức thuê mua nhà ở xã hội như Luật nhà ở 2005 trước đó. Đây là một giải pháp giúp cho những  người dân, doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính để mua nhà, công trình xây dựng ngay một lúc nhưng vẫn được sử dụng tài sản và được mua  sau khi đã hoàn thành  nghĩa vụ tài chính  sau một thời gian kiếm tiền, tìm cơ hội kinh doanh, sản suất mang lại hiệu quả tốt. Giải pháp này có tính an toàn cao, ít rủi ro cho các bên tham gia hợp đồng thuê mua. Bên cho thuê vẫn là chủ sở hữu tài sản trong suốt thời hạn cho thuê. Bên thuê tài sản được sử dụng tài sản theo đúng lựa chọn của mình để sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.

 

© Copyright © 2018 NHA DAT TP.HCM All rights reserved. Design by ĐÀO LÊ PHƯƠNG